Thứ Tư, 23 tháng 11, 2016

Kêu khó trăm bề, Vinacomin được 'giải cứu'

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc tháo gỡ khó khăn cho Vinacomin.

Bên cạnh một số chính sách về thuế, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu các đơn vị sử dụng than cho sản xuất điện thực hiện nghiêm túc mua than từ Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).


Theo văn bản này, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch & Đầu tư và các cơ quan liên quan xem xét, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho tập đoàn này.
Trong đó lưu ý các chính sách về các loại thuế liên quan tới ngành than (thuế suất, giá tính thuế tài nguyên và thuế nhập khẩu than) trong giai đoạn khó khăn để bảo đảm cạnh tranh, giữ vững thị trường và năng lực sản xuất của ngành than. 
Về thị trường tiêu thụ than, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ đề xuất cơ chế xuất khẩu than cho giai đoạn 2016-2020 để ngành chủ động điều hành sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh.
keu-kho-tram-be-tap-doan-than-khoang-san-sap-duoc-giai-cuu
Theo tính toán của TKV, riêng thuế tài nguyên tăng 2-3% từ 1/7 khiến chi phí tập đoàn tăng thêm 1.300 - 1.500 tỷ đồng mỗi năm.
Đồng thời khuyến khích các hộ sử dụng than trong nước để giảm tồn kho, sử dụng hiệu quả tài nguyên quốc gia, ổn định việc làm, an sinh xã hội trên địa bàn.
Trước đó, không ít lần lãnh đạo Vinacomin "than" chuyện gặp khó khăn về chính sách thuế, trong đó có thuế tài nguyên đối với than, khoáng sản đồng loạt tăng từ 2-3% từ ngày 1/7 vừa qua. 
Tính toán của tập đoàn này, thuế tài nguyên tăng sẽ đẩy tổng số chi phí của tập đoàn này tăng thêm 1.300-1.500 tỷ đồng một năm, tuỳ theo sản lượng. Chi phí tăng sẽ kéo theo lợi nhuận sụt giảm.
Lãnh đạo Vinacomin cho rằng, trong lúc thuế tài nguyên tại nhiều nước đang giảm đi, thì Việt Nam lại tăng. So sánh với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, có thể thấy, thuế xuất khẩu than của Việt Nam đang ở trong nhóm cao nhất thế giới. Tại Australia, thuế khai thác than lộ thiên là 7% và 6% với khai thác than hầm lò. Thậm chí nước này còn giảm thuế còn 5% nếu việc khai thác phức tạp, trong khi thuế suất tại Việt Nam gấp đôi.
“Thuế suất cao đã làm giảm tính cạnh tranh giữa các nguồn than. Cùng điều kiện khai thác, chất lượng, nhưng thuế suất khác nhau thì giá thành sản phẩm cũng sẽ khác. Giá cao đương nhiên sẽ làm giảm cạnh tranh sản phẩm than của Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc Vinacomin nêu.
Cùng với giải pháp tháo gỡ khó khăn về thuế cho tập đoàn, tại văn bản chỉ đạo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu các đơn vị sử dụng than cho sản xuất điện thực hiện nghiêm túc mua than theo kế hoạch Bộ Công Thương giao, kể cả nhu cầu tăng thêm và theo Chỉ thị số 21 ngày 26/8/2015 của Thủ tướng về tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh than.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét