Thứ Tư, 23 tháng 11, 2016

Quá hạn 4 tháng, nhiều 'ông lớn' Nhà nước vẫn lờ việc công bố thông tin

 Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng về tình hình công bố thông tin của doanh nghiệp Nhà nước. Trong văn bản này, cơ quan quản lý cho biết, mặc dù liên tục theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin song tỷ lệ này vẫn rất thấp. 

Trong số 31 tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước phải công bố thông tin, mới có một đơn vị được đánh giá là thực hiện nghiêm túc và đầy đủ.

Cụ thể, tính đến 20/9, mới có 140 trên tổng số 432 doanh nghiệp nhà nước thực hiện công bố thông tin (đạt 32%) nhưng chưa đầy đủ các nội dung theo yêu cầu... Về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2016, mới có chỉ có 87 đơn vị công bố, chỉ chiếm 20%. Các nội dung khác như kế hoạch kinh doanh hằng năm và 3 năm gần nhất, báo cáo sắp xếp đổi mới, báo cáo tài chính, lương thưởng... tỷ lệ còn thấp hơn rất nhiều, chỉ đạt khoảng 8-20%... 
qua-han-4-thang-nhieu-ong-lon-nha-nuoc-van-lo-cong-bo-thong-tin
Nhiều ông lớn nhà nước vẫn chưa công bố thông tin mặc dù đã quá thời hạn hơn 4 tháng so với quy định. Ảnh: Báo Công Thương
Bộ cũng cho biết, tính đến 20/9, trong số 31 Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải công bố thông tin, hầu hết các doanh  nghiệp chưa thực hiện công bố đầy đủ. Đặc biệt, một số doanh nghiệp như Tổng công ty Giấy Việt Nam, Tổng công ty Thiết bị Y tế Việt Nam... chưa thực hiện công khai bất cứ một nội dung nào theo quy định.
Trong số 31 đơn vị này, có duy nhất Tổng công ty Quản lý Bay Việt Nam thực hiện nghiêm túc đầy đủ việc công bố thông tin. Các doanh nghiệp khác đa số mới thực hiện việc công bố một nửa các nội dung theo quy định. Các tên tuổi được Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhắc đến là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Than Khoáng sản (Vinacomin), Tập đoàn Điện lực (EVN), Tập đoàn Hóa Chất (Vinachem), Tổng công ty Đường Sắt, Sông Đà, MobiFone...
Cơ quan này cũng cho biết đã gửi các Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố đề nghị triển khai việc công bố thông tin từ đầu năm. Tuy nhiên, đến hết tháng 7, Bộ mới nhận được công văn trả lời của 7 trên tổng số 22 Bộ ngành, 24 trong số 63 địa phương và 16 trong số 31 tập đoàn, tổng Công ty Nhà nước về thực hiện nội dung báo cáo theo Nghị định 81.
"Tỷ lệ doanh nghiệp nhà nước thực hiện công bố thông tin theo quy định còn rất thấp, nội dung thông tin công bố sơ sài, chưa đầy đủ, quy trình công bố thông tin cũng chưa được đảm bảo theo đúng quy định", báo cáo nêu rõ.
Nghị định 81/2015 được ban hành tháng 9/2015 và có hiệu lực sau đó 2 tháng. Theo văn bản này, các doanh nghiệp nhà nước là các tập đoàn, tổng công ty phải có trách nhiệm công bố 7 báo cáo thông tin. Chậm nhất sau 6 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực, doanh nghiệp phải công bố thông tin bằng văn bản, dữ liệu gửi về Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Như vậy, thời hạn thực hiện yêu cầu trên là ngày 31/5 vừa qua, tuy nhiên, đến nay các doanh nghiệp nhà nước vẫn phớt lờ quy định. 
Nghị định 81 cũng nêu rõ trách nhiệm với người đứng đầu doanh nghiệp không thực hiện chủ trương hoặc báo cáo không đầy đủ, không đúng hạn sẽ bị khiển trách hoặc cảnh cáo. Trong trường hợp người đại diện vốn Nhà nước, Chủ tịch các tập đoàn, tổng công ty không kịp thời đưa ra các ý kiến chỉ đạo, khuyến nghị, giải pháp, dẫn đến doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, gây thất thoát vốn Nhà nước có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật từ hạ bậc lương đến buộc thôi việc, thậm chí là kiến nghị cơ quan chức năng xử lý hình sự. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét